tat-tan-tat-ve-tat-noi-nhai-echolalia

👄tất tần tật về tật nói nhại (echolalia)

Nguyễn Thị Lý 06/01/2022

👄TẤT TẦN TẬT VỀ TẬT NÓI NHẠI (Echolalia) Một trong những hiện tượng phổ biến ở trẻ tự kỷ đó là việc trẻ lặp lại những từ ngữ, những câu nói, câu hát hay âm thanh mà trẻ nghe được từ người khác hay từ chương trình truyền hình, video ca nhạc,…

👀PHÂN LOẠI TẬT NHẠI LỜI Nếu trẻ lặp lại ngay khi nghe được thông tin thì đó là sự nhại lời ngay tức khắc (immediate echolalia).

☑Chẳng hạn như khi mẹ hỏi “Bi, con có muốn ăn bánh quy không?”. Con sẽ lập tức lặp lại “Muốn ăn bánh quy không” Trường hợp thứ hai là nhại lời có trì hoãn (delayed echolalia). Đây là trường hợp con nhại lại những gì nghe được trong một tình huống khác tình huống con nghe được câu nói đó.

☑Chẳng hạn, khi con nghe trên chương trình quảng cáo sữa chua câu “đẹp dáng sáng da”, con sẽ lặp lại câu này với mẹ với cùng tông giọng và biểu cảm như trong quảng cáo khi con muốn xin mẹ ăn sữa chua, bởi trong đầu con, câu nói này luôn đi kèm hình ảnh hộp sữa chua như trong quảng cáo vậy! Sự nhại lời có trì hoãn này gây ra khá nhiều rắc rối vì câu nói được lặp lại trong một ngữ cảnh hoàn toàn khác ban đầu nên sẽ gây ra sự khó hiểu cho người nghe.

👌Vì sao nhại lời thực ra là MỘT TÍN HIỆU TỐT? Trên thực tế việc nhại lời là một cách tự nhiên để học ngôn ngữ! Phần lớn trẻ nhỏ bập bẹ theo nhịp điệu để bổ khuyết cho sự thiếu ngôn từ trong những tháng đầu đời. Sau đó, trẻ bắt chước âm thanh, từ, tiếp đó là mệnh đề (như “ăn bánh”, “đi chơi”, “về với bố mẹ”…) và cuối cùng là câu hoàn chỉnh. Hiện tượng nhại lời đặc biệt bùng nổ trong khoảng 30 tháng tuổi ở trẻ bình thường sau đó mất dần (1). Trước đây, hiện tượng nhại lời ở trẻ tự kỷ bị cho là một vấn đề hành vi không phù hợp và cần “dập tắt”. Tuy nhiên sau đó, các nhà nghiên cứu thấy rằng đây là hiện tượng bình thường trong quá trình trưởng thành về nhận thức và ngôn ngữ ở trẻ nhỏ. Từ đó, nhại lời được giải thoát khỏi cái danh “hành vi xấu”, thay vào đó, nó được coi là một tín hiệu tích cực cho sự phát triển ngôn ngữ sau này của con! Việc nói nhại kéo dài hơn ở trẻ tự kỷ chỉ cho thấy TRẺ ĐANG BỊ TẮC ở giai đoạn này và cần được trợ giúp để tiếp tục phát triển lên các giai đoạn ngôn ngữ tự chủ sau. Nhiều nghiên cứu cho thấy, ngay cả ở những trẻ rất chậm về ngôn ngữ, vẫn có khả năng nói được câu trôi chảy ở khoảng 8 tuổi (3).

🙈Vì sao trẻ tự kỷ nói nhại? Trẻ bình thường học ngôn ngữ tuần tự từ việc hiểu nghĩa và sử dụng từ đơn, sau đó trẻ học cách xâu chuỗi các từ này lại tạo thành mệnh đề hay câu hoàn chỉnh (“sữa”, “uống” → “uống sữa” → “Bi uống sữa”…) Còn trẻ vip lại học ngôn ngữ theo một con đường khác hơn một chút, thường thì các bạn học “cả cụm” mà sau đó lại gặp khó khăn khi tách và hiểu nghĩa từng từ đơn.

☑ Chẳng hạn, nếu trẻ xem nhiều quảng cáo sữa vinamilk, trẻ có thể nói cả câu “sữa tươi nguyên chất trăm phần trăm” và hiểu nôm na rằng câu nói này liên quan gì đó đến “thứ mình vẫn hay được uống mà mình rất thích” (đôi khi trẻ thậm chí không cần phải hiểu cả khái niệm “sữa” để tạo nên liên kết giữa câu nói này và hộp sữa thực trẻ uống!). Vậy là trẻ cứ nói đi nói lại như vậy khi thấy hộp sữa để trên bàn hay khi muốn uống sữa. Nhưng vì chẳng manh nha gì ý nghĩa của từng cụm từ như “sữa tươi”, “nguyên chất”, “trăm phần trăm” là gì nên trẻ rất khó để tự mình hiểu nghĩa thực của câu này hay tự tách được các từ này ra và sử dụng linh hoạt trong những ngữ cảnh khác.

💁Làm sao để PHÁT TRIỂN NGÔN NGỮ của con tận dụng việc con nói nhại? Để giúp con vượt qua giai đoạn nói nhại và phát triển ngôn ngữ linh hoạt hơn, trước hết cha mẹ cần hiểu được mục đích nói nhại của con ở từng tình huống là gì:

📌 Do con muốn hỏi xin gì đó? (Trẻ có thể nói “Con muốn ăn bánh không?” để hỏi xin bánh quy)

📌 Do con muốn giao tiếp với người đối diện (Mỗi khi mẹ đưa bánh chocopie cho con, con lại nói “ngọt ngào hơn cả sô-cô-la” vì có lần cô giáo mầm non cho các bạn liên hoan ăn bánh chocopie và cô nói câu này mà các bạn đều rất thích)

📌 Do con muốn thu hút sự chú ý (Nếu mẹ thường nói “nhìn vào đây” khi muốn con chú ý, con sẽ lắp lại câu này bất kể khi nào con muốn mọi người chú ý)

📌 Do con thể hiện sự phản đối (khi con nũng nịu, ba hỏi “con không muốn ăn sườn à?” Con đáp lại y chang “con không muốn ăn sườn à” có thể chính là vì con muốn nói “con không muốn ăn sườn”)

📌 Để trả lời con đồng ý (chẳng hạn con đáp lại “con ăn sữa chua không?” ngay sau khi mẹ hỏi có thể mang ý nghĩa con muốn sữa chua)

📌 Đôi khi con chỉ nói nhại khi con bị căng thẳng và muốn bình tĩnh lại hay cần cảm giác tự kích thích (con có thể đi lòng vòng, vừa đi vừa nhại những gì con thuộc nằm lòng) Điều này đòi hỏi cha mẹ kỹ năng quan sát và lắng nghe tỉ mỉ để phân tích ý nghĩa câu nói nhại của con! Sau khi đã hiểu được mục đích đằng sau câu nói nhại của con là gì. Cha mẹ có thể bắt đầu dạy con cách nói phù hợp hơn, trên nguyên tắc: ĐƯA RA MỘT MẪU CÂU CHUẨN ĐỂ CON HỌC:

☑ Cha mẹ thường hỏi “Con uống nước không?” → Con lặp lại y hệt thay vì nói “Có”. Từ lần sau, mỗi khi thấy con có vẻ khát nước và muốn uống, cha mẹ “mớm” cho con câu nói “Con muốn nước”/ “Uống nước” để con học cách nói yêu cầu từ vị trí của con và đúng ngữ cảnh

☑ Sau nhiều lần con nhại “uống nước” và được uống, con sẽ hiểu ý nghĩa câu nói và vận dụng đúng hoàn cảnh (khi con khát). Chúc cha mẹ học được nhiều điều bổ ích qua bài viết này! Nguồn: Autimist Homie Center ️

🍀 Các nguồn tham khảo thêm: (1) http://www.myaspergerschild.com/2012/09/echolalia-in-children-with-aspergers.html?fbclid=IwAR1K-GFqG8_oMw7t8FBZ7lrJPgZ6UsntblRxdbxdcuQsSwn6gZn-pjUAAbs (2) http://www.hanen.org/Helpful-Info/Articles/Helping-Children-Who-Use-Echolalia.aspx (3)https://www.iancommunity.org/cs/simons_simplex_community/speech_onset_study (4)http://www.hanen.org/Helpful-Info/Articles/3-Things-You-Should-Know-About-Echolalia.aspx