-
-
-
Tổng tiền thanh toán:
-
Phát hiện sớm trẻ có rối loạn phát triển!
14/08/2019
PHÁT HIỆN SỚM TRẺ CÓ RỐI LOẠN PHÁT TRIỂN!
1. Rối loạn phát triển (RLPT) là gì?
RLPT hiểu đơn giản là sự chậm trễ hoặc phát triển không bình thường so với các mốc/các đặc điểm phát triển thông thường về thể chất và tâm lý. Chúng tôi chưa nói sâu đến việc phát hiện các dạng khiếm khuyết ở trẻ (tự kỷ, chậm phát trí tuệ hay tăng động giảm chú ý…), bởi khi trẻ có bất cứ khó khăn nào, thuộc bất cứ dạng khiếm khuyết nào thì điều đầu tiên chúng ta cũng có thể thấy ở trẻ đó là sự RỐI LOẠN PHÁT TRIỂN.
2. Tầm quan trọng của việc phát hiện sớm:
- Theo Facts For Life, “5 năm đầu đời là nền tảng quan trọng của mỗi đứa trẻ. Nó đóng vai trò “định dạng” toàn bộ về sức khỏe, sự hạnh phúc, sự tăng trưởng, kết quả học tập và phát triển ở trường học, ở gia đình và cộng động và cuộc đời của con người nói chung. Các nghiên cứu gần đây cũng xác nhận rằng 5 năm đầu đời đặc biệt quan trọng đối với sự phát triển não bộ của trẻ, và ba năm đầu tiên là quãng thời gian quyết định trong việc hình thành cấu trúc não bộ của trẻ. Những trải nghiệm đầu tiên cung cấp một nền tảng cho chức năng và sự phát triển khả năng tổ chức của não bộ trong suốt cuộc đời. Chúng sẽ tác động trực tiếp lên cách đứa trẻ xây dựng các kỹ năng học tập cũng như khả năng xã hội và cảm xúc” (đây là những điều mà tôi nghĩ là còn ít người biết đến).
- Nếu chúng ta hiểu được tầm quan trọng của những năm đầu tiên của trẻ, đồng nghĩa với việc chúng ta sẽ ý thức được việc giáo dục sớm và giáo dục tích cực cho tất cả mọi trẻ, trong đó việc phát hiện càng sớm các khó khăn của trẻ có nhu cầu đặc biệt sẽ tỉ lệ thuận với việc trẻ có nhiều cơ hội phát triển và hòa nhập hơn
3. Các dấu hiệu cơ bản để phát hiện sớm trẻ có RLPT
- Trẻ có sự chậm trễ về vận động: nếu bé chưa biết lẫy lúc 3 – 5 tháng, biết đứng lúc 9 – 11 tháng hay biết đi lúc 12 – 15 tháng thì có khả năng bé đang có khó khăn về vận động.
- Trẻ có chậm trễ về ngôn ngữ - xã hội nếu:
- Không hoặc ít có phản ứng “hóng chuyện” từ 2 – 4 tháng
- Không tương tác mắt, không phản ứng khi chơi ú òa hay không để ý hình ảnh của mình trong gương lúc 4 – 6 tháng.
- Không nhìn theo hướng tay chỉ, không để ý khi bạn “bai bai”, không phát ra các âm bập bẹ “ma ma, ba ba, cha cha, nhanh nhanh” cho đến lúc 9 tháng.
- Không đưa đồ cho bạn khi bạn “xin”, không biết “để ý” khi bạn đang cố gắng thu hút bé, không phản ứng qua lại các tương tác của bạn lúc 10 – 12 tháng.
- Không chỉ tay thể hiện nhu cầu (kết hợp với ánh mắt, âm thanh), không nói được 1 – 2 từ đơn lúc 15 – 18 tháng.
- Không biết chỉ tay trả lời khi bạn hỏi “con chó đâu?”, không nói được khoảng 10 từ đơn lúc 18 – 24 tháng.
- Trẻ có chậm trễ về nhận thức – tư duy nếu:
- Không cầm nắm đồ vật trên tay lúc 4 – 6 tháng.
- Không biết cầm hai đồ vật trên hai tay, chơi với đồ vật theo kiểu gõ vào nhau, đập gõ để tạo ra âm thanh, cố ý thả đồ vật xuống lúc 6 – 8 tháng.
- Không chơi với đồ vật theo kiểu lặp đi lặp lại (bỏ vào – lấy ra, kéo ra – đẩy vào, xếp lên – đổ xuống…), không để ý đến chức năng của đồ vật (cốc uống nước, bút vẽ) khi được người lớn hướng dẫn lúc 10 – 12 tháng.
- Không để ý đến đồ vật trong môi trường xung quanh khi bạn gọi tên lúc 12 – 15 tháng
- Không biết chơi lắp ghép các chi tiết (khối gỗ, mảnh ghép hình, hai chiếc ống…) lúc 18 – 24 tháng
- Không biết chơi tưởng tượng với đồ vật lúc 3 tuổi (xếp các khối gỗ và gọi đó là ngôi nhà)…
- Trẻ có một số hành vi bất thường như:
+ Luôn cầm đồ vật trên tay, mân mê hoặc nhìn hoặc cho vào miệng/cắn (sau 1 tuổi) mà không để ý đến chức năng
+ Thích những đồ vật quay tròn, chuyển động hoặc có màu sắc nhất định
+ Thích tự quay tròn một mình, đi nhón chân hoặc nhảy tại chỗ kết hợp với vẫy tay, tự lắc lư người
+ Luôn cầm/kéo tay người khác khi có nhu cầu mà không nhìn mắt
+ + Dễ sợ hãi trước các âm thanh, màu sắc
+ Dễ cáu, khó chịu, tự xâm hại bản thân hoặc đánh/cắn/cấu người khác…
3. Bạn cần làm gì khi phát hiện bé có khó khăn?
- Điều đầu tiên bạn cần làm đó là chia sẻ với giáo viên hoặc cha mẹ của trẻ để xác nhận các thông tin bạn thấy được ở các môi trường khác nhau
- Sau đó, hãy đưa bé đến gặp các người các chuyên môn về giáo dục đặc biệt để sàng lọc, đánh giá chuyên sâu và được tư vấn cách hỗ trợ cho bé tốt nhất.
KHÔNG NÊN: giữ bé ở nhà hoặc không làm gì cả; tự ý sử dụng các biện pháp truyền miệng mà chưa được chứng minh khoa học; tự ý sử dụng thuốc; tự dạy bé mà không biết có đúng cách hay không….
Ở những chủ đề sau, chúng tôi sẽ chia sẻ sâu hơn về các giai đoạn phát triển, các vấn đề về hành vi, giao tiếp, ngôn ngữ và các chiến lược hỗ trợ phù hợp cho trẻ!
Người viết: Nguyễn Mai
Tài liệu tham khảo: Tâm lý học phát triển trẻ em lứa tuổi mầm non, Facts For Life, Development Through the Lifespan...
Bình luận
Nội dung này chưa có bình luận, hãy gửi cho chúng tôi bình luận đầu tiên của bạn.