day-tre-tu-ky-chi-tay-huong-dan-cha-me-dung-cach

Dạy trẻ tự kỷ chỉ tay – hướng dẫn cha mẹ đúng cách

Đặng Tiến 15/09/2022

Không chỉ giới hạn về lời nói, trẻ tự kỷ còn thiếu các kỹ năng giao tiếp khác như cử chỉ, ánh mắt,... Do đó, dạy trẻ tự kỷ chỉ tay là một bước quan trọng nhằm tạo tiền đề để phát triển ngôn ngữ, cải thiện khả năng tương tác. Bài viết dưới đây sẽ tổng hợp một số ví dụ cụ thể để ba mẹ dạy trẻ chỉ tay ở nhà. Đừng bỏ lỡ nhé!

Lí do trẻ không chỉ tay

    •  Thiếu sự chia sẻ mối quan tâm chú ý chung, không có nhu cầu và kĩ năng chia sẻ niềm vui thích với người khác, không biết cách thu hút sự chú ý của người khác.

    •  Không hiểu rằng chỉ tay là cách thể hiện sự lựa chọn thứ mình thích mình cần

    •  Không hình dung có một đường kết nối từ ngón tay tới đồ vật

    •  Hạn chế về kĩ năng vận động tinh và bắt chước: cầm nắm và chụm xòe ngón tay

Tại sao trẻ tự kỷ cần học chỉ tay?

Chỉ trỏ là kỹ năng thường xuất hiện ở  mốc 6-9 tháng. Trẻ chỉ tay thể hiện nhu cầu và thu hút sự chú ý của người khác, nếu trẻ 15-18 tháng mà chưa biết chỉ tay thì đó là dấu hiệu nghi ngờ về tự kỷ và cần dạy trẻ biết chỉ tay.

Trẻ em mắc chứng rối loạn tự kỷ thường biểu hiện chậm hoặc không có sự phát triển chú ý chung. Điều này thể hiện rõ khi trẻ không theo dõi các đồ vật di chuyển trước mặt hoặc không hướng ánh mắt của mình về phía đối tượng mà người lớn chỉ vào. Hơn nữa, trẻ tự kỷ cũng không biết cách chỉ tay đến một đồ vật để thu hút sự chú ý của người khác.

Chỉ tay là một cột mốc quan trọng trong sự phát triển xã hội vì nó chứng tỏ đứa trẻ không chỉ quan tâm đến đồ vật mà còn nhận thức được những sư vật xung quanh. Với vai trò đó, chúng ta cần hướng dẫn trẻ hình thức giao tiếp không lời này trước khi dạy các phương tiện cao cấp hơn.

Cách thức dạy trẻ chỉ tay

Một trong những cách tốt nhất để rèn luyện sự chú ý của trẻ tự kỷ là chơi các trò chơi kết hợp cử chỉ và âm thanh. Lúc này, các tín hiệu phi ngôn ngữ chẳng hạn chỉ tay sẽ được vận dụng một cách tối đa.

  Chỉ vào đồ vật đứng một mình

Chuẩn bị bàn, ghế vừa tầm với trẻ. Ngồi trên ghế ngang với trẻ, giơ 1 đồ vâth mà trẻ thích lên (ví dụ: bánh ngọt) và hỏi: “Con muốn gì?”. Hướng dẫn trẻ dùng 1 ngón tay chỉ vào bánh và lập tức đưa bánh để con ăn.

  Chỉ vào đồ vật đứng vùng thứ mà trẻ không thích

Ngồi trên ghế ngang tầm với trẻ, giơ 1 vật trẻ thích và không thích lên. Một người sẽ hỏi trẻ: “Con muốn cái gì?”, một người khác đồng thời hỗ trợ hướng dẫn chỉ tay vào vật trẻ thích. Sau đó, đưa vật mà trẻ chỉ cho trẻ.

  Chỉ vào đồ vật đặt ở trên bàn

Để 1 vật trẻ thích và 1 vật không thích lên bàn xa tầm với của trẻ. Hỏi trẻ: “Con muốn cái gì?”. Hướng dẫn trẻ đưa ngón tay chỉ vào vật con thích và cho trẻ lấy vật vừa chỉ.

  Chỉ vào vật mà không gợi ý bằng lời nói

Để một số vật trẻ thích và không thích lên bàn xa tầm tay của trẻ, đợi trong vài giây. Nếu trẻ chỉ tay hoặc lấy đồ vật mà mình thích, bạn gợi ý câu trả lời: “Con muốn”, sau đó đưa vật vừa chỉ cho trẻ. Trường hợp trẻ không chỉ, lấy hay không nói vật mình thích, hãy làm mẫu cho trẻ rồi đặt lại chỗ cũ.

  Dạy trẻ chỉ đồ vật ở xa

Khi trẻ nắm tay hoặc kéo bạn đến tủ để yêu cầu sữa hoặc đồ chơi, bạn hãy mở tủ, cầm tay con chạm vào đồ vật mà chúng mong muốn. Sau khi trẻ đã quen dần, cần tăng khảng cách giữa ngón tay và đồ vật, lặp lại nhiều lần trong ngày. Điều quan trọng là phải giảm dần việc nhắc càng sớm càng tốt để trẻ dần dộc lập trong việc chỉ tay vào thứ mình muốn.

Khi dạy trẻ tự kỷ chỉ tay, ba mẹ cần làm mẫu từng bước cho con xem, hỗ trợ trực tiếp bằng cách cầm tay hướng dẫn. Dạy trẻ từng bước, trong mỗi bước nên gợi ý và hỗ trợ ít dần đi, chỉ củng cố lại những phần trẻ làm đúng mà không cần chỉ dẫn.