con-noi-doi-phai-lam-sao-cach-xu-tri-cua-cha-me-thong-thai

Con nói dối phải làm sao? – cách xử trí của cha mẹ thông thái

Đặng Tiến 14/09/2022

Trẻ con không biết nói dối là cách người lớn thường nói với nhau. Nhưng điều này không phải lúc nào cũng đúng. Nói dối hình thành từ khi còn nhỏ. Trong quá trình trưởng thành của con chắc chắn sẽ có những lúc con nói dối cha mẹ. Nói dối là hành vi tất yếu trong quá trình phát triển tâm lý của con người. Bạn có muốn con bạn sau khi trưởng thành sẽ hay nói dối và lén lút sau lưng bạn để đạt được những mục đích mà nó muốn? Và dĩ nhiên câu trả lời của tất cả các bậc phụ huynh là “không”. Vì vậy, chúng ta nên dạy trẻ phẩm chất trung thực từ khi còn bé. Dưới đây là một số lời khuyên về cách dạy trẻ không nói dối và hy vọng có thể giúp con bạn phát triển phẩm chất trung thực.

  1. Vì sao trẻ nói dối?

Ai cũng trải qua những thời thơ ấu và cũng nói  dối ít nhất một lần, vậy tại sao trẻ con lại phải nói dối? Đa phần câu trả lời chính là sợ bị bố mẹ đánh, mắng.

Khi trẻ làm việc sai, lập tức cha me sẽ đưa ra vẻ mặt tức giận, nóng nảy, sử dụng những lời lẽ nghiêm khắc để đổ lỗi cho con mà không hỏi lý do và cùng con giải quyết vấn đề đó.

Do vậy, đứa trẻ thay vì thừa nhận hành động bản thân đã gây ra thì nó sẽ dùng những lời nói dối để thế vào đó. Và một hậu quả ai cũng thấy rõ ràng nhất: bố mẹ tức giận nhất thời chỉ là chuyện nhỏ nhưng thói quen nói dối của con trở thành những hành động quen thuộc đó mới là chuyện lớn.

Vì vậy, không phải bạn cứ đánh con là lần sau chúng sẽ không làm như vậy nữa. Chúng chỉ khóc thời điểm đó, nói xin lỗi nhưng lại tái phạm những lần sau.

Thêm nữa, bố mẹ nên nhớ nói dối là hành vi tất yếu trên hành trình trưởng thành của con. Do đó, bố mẹ không nên có bất ngờ và có phản ứng hay động gay gắt khi gặp trường hợp con nói dối. Điều phụ huynh cần làm là bình tĩnh và xem xét lời nói dối của con thuộc trường hợp nào sau đây:

Trường hợp 1: Trẻ dưới 6 tuổi, chúng chưa phân biệt được tưởng tượng và thực tế. Vì vậy, những lời nói dối này có thể thực chất là biểu hiện của trí tưởng tượng của con. Tuy nhiên, trẻ dưới 6 tuổi cũng có thể nói dối để tránh bị bố mẹ mắng hay đạt được điều con mong muốn.

Trường hợp 2: Trẻ nói dối là phản ứng của sự tự vệ. Khi bị tra hỏi gay gắt, nhiều bé sẽ nói dối, bao biện vì sợ bị trách phạt, đòn roi. Đây là phản ứng tự vệ, bảo vệ bản thân.

Trường hợp 3: Trẻ bắt chước người lớn nói dối. Trẻ càng nhỏ thì khả năng quan sát, bắt chước của con càng nhanh nhạy. Vì vậy, trẻ rất nahnh chóng bắt chước các hành vi của người lớn đặc biệt là cha mẹ.

Một số lí do trẻ nói dối khác:

   • Gây ấn tượng với người khác. (Ví dụ: khoe khoang với bạn bè)

   • Trốn làm việc không muốn làm. (Ví dụ: dọn đồ chơi)

   • Muốn được chú ý.

  1. Trẻ nói dối phải làm sao? Ba mẹ cần làm gì khi trẻ thường xuyên nói dối?

Bạn hãy là hình mẫu chân lý của con

Một trong những cách hiệu quả nhất để dạy con không nói dối là các bậc phụ huynh hãy làm gương tốt. Trẻ em sẽ làm mẫu các hành vi của cha mẹ hoặc người chăm sóc của chúng, nếu trẻ thấy bạn nói dối thường xuyên thì khi lớn lên chúng sẽ tin rằng hành vi này là được phép.

Ví dụ như trong trường hợp bạn cùng con đi siêu thị, đến lúc thanh toán nhân viên thu ngân trả lại tiền cho bạn và bị dư tiền thừa, bạn sẽ trả lại hay bỏ túi? Mọi hành vi của bạn sẽ được con chú ý quan sát, nếu bạn giữ tiền và con bạn thấy bạn hay làm điều này, chúng sẽ tin rằng không trung thực là được nếu điều đó có lợi. Vì vậy, điều bạn cần làm là trả lại tiền cho nhân viên thu ngân, con bạn sẽ thấy rằng trung thực mới là đức tính tốt.

Trẻ nhỏ sẽ luôn theo dõi về các hành động hay lời nói của người lớn, nếu bạn có thói quen nó dối, không trung thực thì nó sẽ nhận ra được hành vi này và làm theo bạn. Hãy nên quan tâm đến những gì con suy nghĩ về bạn và tạo ra những thói quen trung thực hơn tỏng lời nói, hành động nhé!

Nói về sự trung thực không cần thiết

“Chiếc mũ của bạn đang đội trông thật xấu” nó có thể là sự thật, nhưng có cần phải nói thẳng trước mặt của người khác về điều nay không? Dĩ nhiên là không, chỉ vì đôi khi có thể bạn nghĩ điều gì đó không có nghĩa là nó cần phải được nói ra. Trẻ em cần học sự khác biệt giữa trung thực không cần thiết và nói sự thật. Nếu thông tin đó sẽ làm tổn thương cảm xúc của ai đó và không cần thiết thì có thể không cần phải nói ra. Nếu con bạn không nắm bắt được khái niệm này hãy đóng vai một số tình huống và hỏi chúng nên làm gì trong mỗi tình huống đó.

Đây là một số ví dụ

     • Nếu bạn của bạn có một mái tóc trông không hợp với khuôn mặt và xấu, bạn có nên nói với họ điều này không? Đây là sự thật hữu ích hay sự trung thực không cần thiết?

      • Nếu bà của bạn tặng cho bạn một món quà mà bạn không thích, bạn có nên nói với bà rằng đó là món quà xấu nhất từ trước đến nay không? Bạn nghĩ mình có thể nói gì để không nói dối (có lẽ chỉ đơn giản là nói cảm ơn vì món quà)?

Có hậu quả khi nói dối

Bạn muốn dạy con không nói dối hãy cho trẻ biết sẽ có những hình phạt khi trẻ nói dối, bắt đầu bằng những hình phạt đơn giản nhất như phạt con không được xem ti vi hay máy tính bảng một ngày,... Đôi khi, các bậc phụ huynh nên nhắc nhở con cái về những hình phạt sẽ nghiêm trọng hơn trước khi hỏi trẻ về các vấn đề đã xảy ra, trẻ sẽ có xu hướng nói sự thật nhiều hơn vì chúng sẽ biết rằng nói dối chỉ khiến tình hình trở nên tồi tệ.

Đừng ép con vào chân tướng

Một lần nữa, nói dối sẽ là một thói quen, vì vậy hãy dạy con không nói dối bằng cách giúp con bạn rèn luyện tính nói thật và trung thực, khi nhận ra điều nói dối từ con, bạn nên tìm cách để con nói sự thật. Đừng đẩy con bạn vào góc chân tướng và nói nó là kẻ dối trá, điều này không giúp xây dựng nên tính cách tốt lâu dài. Thay vì dồn vào chân tường, bạn hãy xoay chuyển tình huống mà bạn giúp con nói ra sự thật bằng giọng nói nhẹ nhàng chứ không phải bằng giọng trừng phạt, khi con tự giác quyết định nói ra sự thật điều này sẽ giúp dạy con không nói dối và tạo thói quen khi nói thật nhưng đừng quên rằng vẫn còn có những hình phạt đi kèm.

Đừng coi con bạn là kẻ nói dối

Một cách quan tọng khác để dạy con không nói dối là đừng bao giờ coi chúng là kẻ nói dối, lời nói của cha mẹ có sức mạnh rất lớn đến suy nghĩ của trẻ, nếu cha mẹ nói với con họ rằng chúng là kẻ nói dối và suy nghĩ này được lưu vào tâm trí của những đứa trẻ và chúng sẽ ghi nhớ điều này. Như vậy không chỉ ảnh hưởng đến lòng tự tọng của trẻ mà còn có thể nghĩ rằng chúng xấu theo một cách nào đó thậm chí trẻ con có thể đi xa đến mức nói dối nhiều hơn.

Củng cố sự trung tực bằng lời khen ngợi

Nếu bạn lỡ gọi con mình bằng kẻ nói dối hãy nhanh trí đảo ngược suy nghĩ đó lại trong tâm trí chúng bằng cách nói ra những trường hợp lúc con trung thực và khen con là một đứa trẻ ngoan. Làm điều này lặp đi lặp lại để củng cố hành vi nói thật tích cực của con bạn, hãy tích cực khen ngợi con khi chúng trung thực đặc biệt là vào những tình huống khó khăn. Nếu con bạn làm bài kiêm rtra và bị điểm kém bạn hãy khen vì con đã chia sẻ sự thật và cổ vũ, giúp con cố gắng trong những bài kiểm tra tới.

Cho con biết mọi người ai cũng đều mắc sai lầm

Ai cũng mắc sai lầm trong cuộc sống, không ai là hoàn hảo cả. Chúng ta cần cho con cái biết rằng chúng ta không mong đợi sự hoàn hảo từ chúng, chỉ mong rằng trong cuộc sống khi mắc phải những sai lầm con sẽ thành thật để các bậc cha mẹ cùng nhau giúp con vượt qua những sai lầm ấy.

Cho phép con bạn nói sự thật, đôi khi trẻ có những phản ứng bốc đồng và sẽ nói dối trước khi suy nghĩ. Trong những tình huống này, bạn có thể nói “cha mẹ cho con mười phút để suy nghĩ lại về mọi thứ và sau đó chúng ta sẽ có cuộc trò chuyện này một lần nữa?”. Sau đó, bạn có thể quay lại cuộc trò chuyện sau mười phút và cho phép con nói sự thật một lần nữa, nhắc con rằng nếu con nói sự thật thì sẽ giảm được hậu quả.

Nói dối là một phần tất yếu của đời sống xã hội và con bạn sẽ tiếp xúc với điều này như một lẽ tự nhiên khi lớn lên. Tuy nhiên, cha mẹ phải dạy con không nói dối và truyền cho con thói quen trung thực. Tạo cơ hội để nói sự thật và trung thực sẽ giúp con thiết lập những thói quen này làm nền tảng cho tính cách của con. Khen ngợi con vì con trung thực đặc biệt là khi con khó nói sự thật.